Chúng ta đã bàn về Phú Quốc rất nhiều lần, tôi còn nhớ lần đầu tiên là năm 2005, khi đó mới chỉ bàn về quy hoạch huyện đảo Phú Quốc, sau đó tiếp tục bàn về việc phát triển Phú Quốc thành khu kinh tế, khu kinh tế – hành chính đặc biệt và hiện nay là khi Phú Quốc trở thành thành phố với những định hướng quy hoạch mới.
Chủ trương đã được quyết định là quy hoạch Phú Quốc trở thành một thành phố đóng vai trò trọng yếu về phát triển kinh tế trong nước, đồng thời là trung tâm phát triển của khu vực và quốc tế. Hướng theo mục tiêu này, quy hoạch đã được điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn giữ tư tưởng chính là đưa Phú Quốc trở thành: (1) Khu kinh tế – hành chính đặc biệt, Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế, Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực; (2) Đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế; (3) Trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ chuyên ngành; (4) Trung tâm bảo tồn sự đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực; (5) Vị trí đặc biệt về an ninh và quốc phòng.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày Tham luận: Thị trường bất động sản Phú Quốc trong bối cảnh phát triển không gian đô thị
Về phát triển không gian, quy hoạch đã xác định cấu trúc chuỗi tập trung, đa trung tâm; cấu trúc không gian theo trục chính Bắc – Nam hướng An Thới – Cầu Trắng và theo trục giao thông vòng quanh đảo, kết nối với cảng biển quốc tế An Thới, Bãi Đất Đỏ, sân bay quốc tế Dương Tơ và 3 không gian đô thị chính gồm Cửa Cạn, Dương Đông và An Thới; các vùng du lịch sinh thái gồm Bắc đảo gắn với rừng nguyên sinh, Nam đảo gắn với biển mở, Bãi Trường – Bãi Vòng gắn với du lịch hỗn hợp cùng các làng nghề truyền thống. Cấu trúc không gian của đảo còn có vùng cảnh quan, vùng nông nghiệp, không gian mở gồm rừng cảnh quan vườn quốc gia, rừng phòng hộ, các công viên chuyên đề và các khoảng không gian mở.
Nhìn lại toàn bộ quy hoạch phát triển đảo Phú Quốc, có thể thấy đây là bản quy hoạch đầy hoài bão và tham vọng. Phú Quốc được định hướng phát triển để trở thành một điểm sáng trên bản đồ khu vực và thế giới về du lịch, dịch vụ tài chính, khoa học chuyên ngành, giao thông quốc tế và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Để thực hiện tham vọng này, Phú Quốc với tiềm năng địa kinh tế và hoàn cảnh cụ thể của mình hoàn toàn có thể đạt được trong một thời gian không dài. Vấn đề đặt ra là tìm bước đi cụ thể với việc xác định những điểm khác biệt cụ thể đối với từng mặt phát triển cụ thể để từng bước đạt được tổng thể mọi mục tiêu của hoài bão.
Về địa kinh tế, thứ nhất, Phú Quốc nằm trên đường hàng hải từ Thái Bình Dương qua Đông Nam Á tới Ấn Độ Dương. Con đường này hiện đi qua Singapore đã tạo nên một điểm nút (Hub) giao thông hàng hải và hàng không quốc tế. Nếu kênh đào Kra qua bán đảo Malacca được hình thành thì Phú Quốc có khả năng thay thế Singapore nếu biết làm một cách chuyên nghiệp. Dù sao đi nữa thì đây vẫn là việc của thì tương lai xa.

Tổng thể khu đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc
Thứ hai, Phú Quốc là khu dự trữ sinh quyển lâm nghiệp, nông nghiệp và biển trên thế giới. Khu dự trữ sinh quyển nguyên sơ như vậy sẽ là điểm đến hấp dẫn của những du khách từ các nước công nghiệp phát triển, nơi mà sự phát triển công nghiệp đã lấy đi mọi sự đơn sơ, bình yên của trái đất. Theo ngữ cảnh này, Phú Quốc nên phát triển là một hòn đảo riêng biệt về du lịch có tính thu hút cao đối với các du khách muốn yên tĩnh, hòa mình vào thiên nhiên sau nhiều tháng làm việc căng thẳng.
Tôi cho rằng Phú Quốc chưa nên phát triển là thành phố công nghệ, khoa học kỹ thuật chuyên ngành. Chúng ta nên lấy điểm mạnh của Phú Quốc là nơi còn nguyên môi trường, đảm bảo như viện bảo tàng môi trường. Có thể xây dựng một thành phố sử dụng toàn năng lượng tái tạo tại chỗ để sản xuất điện, điện từ gió biển, từ thủy triều, từ sóng biển. Giao thông chỉ sử dụng xe chạy động cơ điện. Các bất động sản nhà ở hay du lịch đều tuân thủ tiêu chuẩn đô thị “xanh”. Hướng người dân địa phương phát triển các công trình, môi trường xanh – mô tả được đây là hòn đảo môi trường sạch điển hình trên thế giới. Bước một nên làm như vậy mới kéo giá trị gia tăng của du lịch, rồi mới tính đến bước phát triển các khu đô thị hiện đại. Đây chính là điểm độc và lạ của thành phố Phú Quốc thu hút nhiều du khách nước ngoài.
Để phát triển, Phú Quốc cần những chính sách, cơ chế đặc thù, lấy hội nhập khu vực và quốc tế làm cơ sở. Phú Quốc cần được phép áp dụng những chính sách riêng về đất đai và tìm vốn đầu tư. Một số chính sách đất đai và bất động sản cần cho phép Phú Quốc áp dụng bao gồm: (1) Cơ chế góp đất và điều chỉnh lại đất đai để phát triển đô thị, phát triển hạ tầng và phát triển các khu du lịch, cơ chế này đã được Nghị quyết 18-NQ/TW đưa vào như một yêu cầu đổi mới; (2) Cho phép chế độ sử dụng đất vào mục đích phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tương đương như đất ở (sử dụng đất dài hạn); (3) Mở rộng quyền sở hữu và kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng của người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam tương đương như đối với đất ở; (4) Cho phép các chủ đầu tư dự án được thế chấp bằng bất động sản ở Việt Nam tại các tổ chức tín dụng có pháp nhân nước ngoài.
Tất cả 4 chính sách nói trên đều chưa được Luật Đất đai 2013 cho phép áp dụng tại Việt Nam, mặc dù vậy, tôi cho rằng Quốc hội cần cho phép áp dụng tại Phú Quốc nhằm tăng tốc quá trình đầu tư phát triển và tăng tính hấp dẫn của Phú Quốc. Việc cho phép như vậy hoàn toàn phù hợp với đặc thù của một khu hành chính đặc biệt trong quá trình hội nhập quốc tế.